Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Những “kình ngư” cứu mạng du khách ở bờ biển Nha Trang

“Lao” ra con sóng dữ để cứu du khách

Đội cứu hộ bờ biển Nha Trang được tách ra từ Đội Thanh niên Xung kích để sáp nhập vào Ban quản lý Vịnh Nha Trang vào năm 2012. Đến nay, với biên chế 38 người, Đội cứu hộ bờ biển Nha Trang đảm nhiệm việc ứng cứu du khách trên chiều dài bờ biển hơn 10km.

Từ bãi tắm trường Sĩ quan Thông tin (phường Vĩnh Hải) đến bãi tắm công viên Trần Hưng Đạo (phường Vĩnh Nguyên), Đội cứu hộ bờ biển Nha Trang đã đóng 2 trạm, gồm 7 tổ canh trực.

Vào những ngày biển động, sóng biển cao 3-5m, Đội cứu hộ bờ biển Nha Trang phải tăng cường nhân lực, cắm biển báo nhắc nhở, nghiêm cấm du khách xuống tắm biển, hoặc đùa giỡn với sóng. Mặc dù Đội cứu hộ đã tuyên truyền về sự nguy hiểm khi “sóng đánh qua đầu người”, nhưng du khách vẫn bất chấp tắm biển và xảy ra nhiều tai nạn đáng tiếc ngoài mong muốn.

Hai kình ngư của Đội cứu hộ bờ biển Nha Trang đang tuần tra, làm nhiệm vụ - Ảnh: Viết Hảo

Hai "kình ngư" của Đội cứu hộ bờ biển Nha Trang đang tuần tra, làm nhiệm vụ - Ảnh: Viết Hảo

Tuy nhiên, với tinh thần cứu bằng được du khách bị nạn, Đội cứu hộ bờ biển Nha Trang đã có mặt tại mọi “điểm nóng” khi du khách bị nạn trên biển. Một thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, những người được ví là “cứu tinh” cho du khách ở bờ biển Nha Trang đã cứu hơn 80 du khách bị tai nạn lúc tắm biển, trong đó tháng 11 đã cứu hơn 10 du khách.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phụ trách Đội cứu hộ bờ biển Nha Trang (trực thuộc Ban quản lý Vịnh Nha Trang), cho biết, những tai nạn mà du khách có thể phải “lãnh” là gãy cổ, gãy chân, gãy vai, trật khớp, bong gân… dù đã được cảnh báo, nhắc nhở nhưng bất chấp tắm biển sóng lớn.

Theo ông Hùng, trường hợp mới nhất là một du khách Nga khi đang tắm biển thì bị sóng lớn đánh gãy cổ. Khi vị du khách đang chới với giữa con sóng, 2 “kình ngư” của Đội cứu hộ là anh Nguyễn Hoàng Long và anh Hoàng Xuân Lộc, đã dũng cảm bơi ra vùng nước dữ “kéo” du khách vào bờ. Ngay sau đó, vị du khách đã được cố định phần cổ và đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Đội cứu hộ bờ biển Nha Trang nghiêm cấm việc du khách bơi qua vị trí phao cảnh giới an toàn cách bờ 100m. Những trường hợp nếu du khách bị nạn xa bờ, Đội cứu hộ phải điều môtô nước cùng các phương tiện chuyên dụng để cứu du khách trong thời gian ngắn nhất.

“Du khách bướng, nói không nghe…!”

Theo ông Hùng, du khách bị những tai nạn ngoài mong muốn khi tắm biển, một phần là do “không chấp hành hoặc ít chấp hành” cảnh báo của Đội cứu hộ bờ biển khi có sóng lớn. “Dù sóng lớn nhưng một số du khách rất bướng, nói họ không nghe…!”, ông chia sẻ.

Du khách có thể phải “lãnh” hậu quả là gãy cổ, gãy chân, gãy vai… nếu bất chấp cảnh báo tắm biển sóng lớn - Ảnh: Viết Hảo

Du khách có thể phải “lãnh” hậu quả là gãy cổ, gãy chân, gãy vai… nếu bất chấp cảnh báo tắm biển sóng lớn - Ảnh: Viết Hảo

Ngoài ra, theo ông Hùng, một số đơn vị, khách sạn dọc bãi biển rất ít nhắc nhở, hoặc cảnh báo du khách khi có biển động. Trong một lần trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trương Kỉnh, Trưởng Ban quản lý Vịnh Nha Trang, cho rằng, để đảm bảo an toàn cho du khách, ngoài nỗ lực của lực lượng cứu hộ bờ biển thì cần có sự cộng tác, phối hợp của các khách sạn dọc bờ biển Nha Trang. Theo đó, các khách sạn được địa phương giao mặt bằng, ngoài việc khai thác du lịch thì cần tổ chức, trang bị phương tiện cho công tác cứu hộ.

Được biết, Đội cứu hộ bờ biển Nha Trang được UBND TP quan tâm trang bị ca nô, mô-tô nước, phao cứu sinh, cùng các phương tiện chuyên dụng và được huấn luyện hàng năm từ nhóm cứu hộ bờ biển Úc. Đội cứu hộ bờ biển Nha Trang được coi là đội cứu hộ chuyên nghiệp, “cứu tinh” cho du khách ở một trong những bãi biển hấp dẫn hàng đầu thế giới.

Viết Hảo



from Du Lịch - Dân trí điện tử - Dantri.com.vn http://ift.tt/1m0apLm
via IFTTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét